Vì sao ông Trump vẫn được hưởng đặc quyền cựu tổng thống bất chấp nguy cơ bị luận tội?

Đứng trước nguy cơ bị luận tội sau vụ biểu tình bạo loạn hôm 6/1 nhưng nhiều đặc quyền của ông Donald Trump vẫn sẽ được giữ nguyên dưới tư cách cựu tổng thống Mỹ.

Đạo luật cựu tổng thống Mỹ

Được ban hành vào năm 1958, Đạo luật cựu tổng thống Mỹ cung cấp quyền lợi trọn đời cho các cựu tổng thống bao gồm: Không gian văn phòng phù hợp, sự bảo vệ của Sở Mật vụ, phụ cấp 100.000 USD/năm để chi trả cho nhân viên và mức lương hưu khoảng 220.000 USD/năm.

Ông Trump vẫn được hưởng quyền lợi cựu tổng thống bất chấp nguy cơ bị luận tội. Ảnh: ABC

Khi ấy, đạo luật này nhằm hỗ trợ tài chính cựu Tổng thống Harry Truman, người rời nhiệm sở vào năm 1953 đối mặt với các khoản nợ từ các dự án kinh doanh không thành công trước thời kỳ ông tại vị.

Trong trường hợp của cựu Tổng thống Donald Trump, khoản thu nhập của ông 1 năm có thể lên tới 1 triệu USD. Theo một báo cáo của National Taxpayers Union Foundation, một cơ quan giám sát chi tiêu tài chính của chính phủ, mỗi năm, những người quản lý tài chính ở Mỹ chi khoảng 4 triệu USD trong tổng số thuế của người dân để cung cấp đặc quyền cho 4 cựu tổng thống còn sống.

Trong số đó, giá trị nhất có sẽ là phí không gian văn phòng. Theo báo cáo, các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama từng được chi trả 500.000 USD phí duy trì văn phòng.

Khả năng các cựu tổng thống bị tước quyền lợi

Theo quy định của Mỹ, các cựu tổng thống chỉ bị tước quyền lợi trong trường hợp họ bị phế truất trong thời gian tại vị. Bởi vậy, việc bị Hạ viện luận tội không ảnh hưởng đến những đặc quyền mà ông Trump được hưởng sau khi rời Nhà Trắng.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã thành lập văn phòng ở Palm Beach. Ảnh: STAT

Tuy nhiên, tờ Reuters cho rằng mọi thứ hoàn toàn có thể thay đổi. Được biết, một vài người cho rằng Đạo luật cựu tổng thống là một khoản chi tiêu không cần thiết. Họ chỉ ra những cựu tổng thống thời hiện đại hoàn toàn có khả năng kiếm tiền và không cần sự giúp đỡ từ người dân sau khi mãn nhiệm.

Năm 2016, đảng Cộng hoà từng đề xuất một dự luật đặt giới hạn cho khoản ngân sách dành cho cựu tổng thống. Tuy nhiên, dự luận này đã bị Tổng thống đương thời Barack Obama phủ quyết. Khi ấy, ông Obama cho biết ông đồng ý với quan điểm cải cách nhưng việc đặt giới hạn sẽ trở thành "gánh nặng" đối với văn phòng cựu tổng thống.

Ai có quyền quyết định về vị trí văn phòng cựu tổng thống?

Được biết, các cựu tổng thống hoàn toàn có quyền tự quyết về văn phòng của mình sau khi rời nhiệm sở. Theo đó, chuyên gia phân tích cho biết nếu ông Trump lựa chọn mở văn phòng tại một nơi thuộc sở hữu của ông thì khoản phí không gian văn phòng cựu tổng thống sẽ được trả để thuê một phần bất động sản của ông.

Sau khi rời thủ đô Washington D.C, vợ chồng cựu Tổng thống Donald Trump hiện đã chuyển về sinh sống tại biệt thự riêng Mar-a-Lago ở Palm Beach (Florida). Ngày 25/1, đại diện ông Trump đã tuyên bố mở văn phòng cựu tổng thống, để hỗ trợ cho những lần xuất hiện sắp tới của ông trước công chúng, ngay tại dinh thự riêng của ông ở Palm Beach.

Trong đó, Cơ quan Quản lý Dịch vụ Chung, một cơ quan chính phủ liên bang, sẽ chịu trách nhiệm trang bị văn phòng một cách thích hợp.

Đặc quyền đang gây tranh cãi của ông Trump

Các nhà lập pháp đảng Dân chủ đang tranh cãi và thúc đẩy việc phủ quyết quyền tiếp cận thông tin tình báo của cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Adam Schiff, đại diện Uỷ ban tình báo Hạ viện, trước đó ngày 17/1 đã phát biểu: "Ông Trump không nên được biết về những thông tin này trong bất kỳ trường hợp nào".

Khác với những quyền lợi trên, đặc quyền tiếp cận thông tin tình báo của cựu tổng thống không được quy định theo luật. Bởi vậy, tân Tổng thống Joe Biden có thể đơn phương loại bỏ quyền này của người tiền nhiệm. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết tân tổng thống đang tham mưu và cân nhắc về vấn đề này.