Vì sao ta thường có khuynh hướng ưu tiên bố mẹ ruột hơn bố mẹ vợ, chồng

Bạn có nhận thấy là, khi chúng ta lập gia đình và nếu cuộc sống của chúng ta dần dần đi vào ổn định, chúng ta có xu hướng muốn bù đắp cho bố mẹ mình không?
bo-me-1635206869.jpg

Bản thân tôi khi quan sát, tôi thấy không chỉ những người có đời sống tài chính ổn định, dư giả mới muốn chăm sóc và giúp đỡ bố mẹ mình về tiền bạc cũng như các mặt khác, mà tôi còn được chứng kiến những người vẫn đang còn loay hoay với chuyện cơm áo gạo tiền thì vẫn canh cánh một nỗi lòng là muốn đền đáp công ơn sinh thành của bố mẹ. Họ có thể chi tiêu bớt đi, dè sẻn hơn để dư ra một ít và gửi về cho bố mẹ mình.

Tôi thật sự xúc động với những hình ảnh như thế.

Và việc báo đáp cho bố mẹ mình là một điều rất tốt đẹp, nhưng rồi bạn có nhận ra, đây cũng là một trong những vấn đề gây mâu thuẫn, tranh cãi và ít nhiều làm rạn nứt mối quan hệ vợ chồng hay không?

Một cách rất tự nhiên và bản năng, ai cũng yêu thương cha mẹ ruột của mình trên hết. Dẫu mỗi người chúng ta vẫn hiểu được là bố mẹ của mình hay bố mẹ của nửa kia cũng là bố mẹ mình. Vì khi chúng ta xem người vợ/người chồng là một nửa của mình, đầy gắn bó và yêu thương, và ta gắn chặt cuộc đời của mình với người ấy, thì bố mẹ người ấy cũng vô cùng xứng đáng để ta yêu thương, kính trọng, báo đáp ơn nghĩa sinh thành.

Và hơn hết, tình yêu thương đích thực thì hẳn là không biệt đối tượng. Hiểu thì hiểu như thế, nhưng rồi trên thực tế thì việc trao đi tình yêu thương tạm gọi là ngang bằng nhau cho bố mẹ cả hai bên vẫn là một thách đố không nhỏ cho nhiều người trong chúng ta.

Dẫu chúng ta có nhận biết rõ ràng hay không, thì một cách nào đó, chúng ta vẫn có sự thiên vị dành cho bố mẹ ruột mình, và dính mắc với bố mẹ ruột của mình nhiều hơn. Việc tranh cãi và mâu thuẫn giữa vợ chồng trong việc chăm sóc cho 2 bên nội ngoại là một vấn đề khá nổi cộm và nhức nhối. Và rồi dẫu vợ chồng có đưa ra được những điều thống nhất với nhau trong bổn phận với cha mẹ hai bên, thì những thái độ và hành động sau đó trong lúc thực hiện bổn phận cũng làm nảy sinh thêm những bất hòa.

Một chị bạn của tôi bảo rằng: “Tụi chị đã thống nhất với nhau là mỗi cuối tuần sẽ về nhà thăm bố mẹ, tuần này nhà nội thì tuần sau nhà ngoại. Anh ấy cũng làm đúng như vậy, nhưng mỗi lần về nhà bố mẹ chị thì anh ấy có vẻ lạnh lùng, ít nói, ít giao tiếp với mọi người. Trong khi về nhà bố mẹ anh ấy, thì anh ấy thoải mái, hào hứng, tổ chức tiệc tùng các loại…”

Và một điều may mắn là tôi cũng được gặp gỡ anh chồng của chị này. Họ muốn giải quyết vấn đề hôn nhân nên vợ chồng đồng ý cùng nhau đi vào hành trình tái kết nối. Khi tôi trao đổi với anh chồng, thì anh bảo rằng: “Anh có ý thức về bổn phận với bố mẹ vợ. Thật sự anh đã làm rất tốt. Anh hứa gì với vợ thì anh đều giữ lời. Nhưng thật sự bên trong anh, anh vẫn thấy về nhà bố mẹ mình thì dễ chịu hơn. Anh rất quý trọng bố mẹ vợ, nhưng nếu bảo thoải mái thì anh vẫn không thoải mái được. Anh bảo sao anh thấy mình ích kỷ quá. Anh buồn lòng về chuyện này. Nhưng cảm xúc thật bên trong của anh rõ ràng nó có sự khác nhau với gia đình hai bên…”

Qua mắc kẹt của vợ chồng chị bạn tôi vừa kể, bạn có suy nghĩ gì?

Tôi thì thấy rất đồng cảm với cả hai anh chị. Bởi tôi thấu hiểu được rằng, trong mỗi chúng ta còn nhiều tổn thương, nội lực chúng ta còn yếu, chúng ta còn yêu thương bố mẹ có điều kiện, nên chúng ta dính mắc với bố mẹ ruột là điều bình thường. Bố mẹ sinh ra ta, thế nên một cách tự nhiên, ta có sự kết nối trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày, có dòng năng lượng nam từ bố, có dòng năng lượng nữ từ mẹ, chảy sâu trong huyết quản của mình. Hơn thế nữa, mấy mươi năm sinh sống, nhận và cho năng lượng tinh thần và năng lượng vật chất với bố mẹ, nên chúng ta bị ảnh hưởng bởi bố mẹ, muốn báo hiếu cho bố mẹ, yêu thương bố mẹ mình hơn là điều bình thường.

Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì tất cả mọi sự đều bắt nguồn từ việc giải quyết những vấn đề nơi chính bản thân mình trước hết. Như bạn vẫn hay nghe: Tu thân, tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ. Chúng ta luôn phải đi từ việc chu toàn bổn phận với chính mình, rồi với gia đình nhỏ của mình, rồi với gia đình lớn của mình, rồi hàng xóm láng giềng, bạn bè thân cận, đồng nghiệp, khách hàng… rồi xa hơn là bổn phận với khu phố, với địa phương, với đất nước… và rồi cho tới thế giới, trái đất và vũ trụ này.

Chúng ta vẫn biết cả vũ trụ này là một, tình yêu vô điều kiện thì không phân biệt con người, không giới hạn trong không gian, địa lý, quốc gia… Nhưng trên thực tế thì tâm thức chúng ta vướng vào đâu thì ta cần tập trung giải quyết ở đó. Vì vậy, hãy cứ bình an với từng bước đi trên tiến trình của mình. Miễn ta nhận biết mình đang như thế nào, đang ở đâu và mình muốn đi về đâu.

Quỳnh - Người Đưa Tin