Vụ bắt 17 con hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An: Chủ nhà có thể bị xử lý thế nào?

Luật sư nhận định, hành vi bắt 17 con hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tùy theo từng mức độ mà người vi phạm sẽ bị xử lý ở các mức hình phạt khác nhau.

vu bat 17 con ho nuoi nhot trai phep o nghe an chu nha co the bi xu ly the nao dspl 2

Công an và đại diện viện kiểm sát kiểm đếm các cá thể hổ. Ảnh: VTC News

Liên quan đến vụ bắt 17 con hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép hổ là phạm pháp.

Luật sư Cường khẳng định, hổ là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm và được ưu tiên bảo vệ xếp số thứ tự 29 trong danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Theo đó, hành vi của những người bắt 17 con hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Tùy thuộc vào số lượng cá thể hổ nuôi nhốt bất hợp pháp và mục đích nuôi nhốt động vật mà người vi phạm sẽ bị xử lý về các tội danh và đối diện với các mức hình phạt khác nhau, theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

vu bat 17 con ho nuoi nhot trai phep o nghe an chu nha co the bi xu ly the nao dspl 1

Luật sư Đặng Văn Cường.

Cùng nói về sự việc, luật sư Quách Thành Lực, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hổ được xếp vào lớp thú, bộ ăn thịt, thuộc nhóm IB (nhóm động vật rừng quý, hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng và nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).

Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là hành vi có dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Điều 244 bộ luật này quy định người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-15 năm.

Thông tin về sự việc, 7h ngày 4/8, Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất và phát hiện nhiều cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành.

Cụ thể, tại nhà bà Hồ Thị Thanh (SN 1990) ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang gia đình ông Hiền đang nuôi nhốt 14 con hổ Đông Dương trưởng thành.

Cùng thời gian trên, lực lượng công an cũng bắt quả tang tại tầng hầm nhà bà Nguyễn Thị Định (SN 1971) ở xóm Phú Xuân, xã Đô Thành, Yên Thành đang nuôi nhốt 3 con hổ Đông Dương.

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, để tránh không bị phát hiện đã vận chuyển những con hổ này từ Lào về khi còn nhỏ.

Sau đó, xây dựng các hệ thống tầng hầm kín ngay trong khuôn viên, trung bình mỗi hầm có diện tích từ 80m2 đến 120m2 để nuôi nhốt.

Tại thời điểm bắt giữ, mỗi con hổ có trọng lượng từ 200kg đến 265kg.

Hiện công an đang tạm giữ 2 chủ cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép là bà Hồ Thị Thanh và bà Nguyễn Thị Định để điều tra làm rõ.

Được biết, 8/17 con hổ trên đã bị chết.

Trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay, 8 con hổ bị chết đang được cấp đông để phục vụ công tác điều tra theo quy định của pháp luật.

9 con hổ còn lại đang được chăm sóc và hiện chưa có dấu hiệu gì bất thường.

Cơ quan công an sẽ xử lý theo đúng quy định, quy trình pháp luật.

Thủy Tiên (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật