Vụ ngộ độc pa-tê chay ở Bình Dương: Làm sao để biết thực phẩm có tiềm ẩn độc tố gây chết người?

Sự việc một gia đình ở Bình Dương phải nhập viện cấp cứu do sử dụng pa- tê chay thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về loại thực phẩm đang có tiềm ẩn độc tố đe dọa sức khỏe người dùng.

2 người qua cơn nguy kịch, thêm 3 bệnh nhân mới nhập viện

Đại diện sở Y tế TP.HCM cho biết, cả 3 bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện ở TP.HCM nghi bị ngộ độc do sử dụng pa- tê chay là người trong một gia đình ở Bình Dương, 1 người đã tử vong. Cụ thể, bệnh nhân C.N.H. (53 tuổi, đang điều trị tại bệnh viện Nhân dân 115) là chị gái của bệnh nhân C.N.M. (42 tuổi, đã tử vong, từng điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy). Còn bệnh nhân P.T.T.T. (16 tuổi, đang điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2) là con của bệnh nhân C.N.M..

Theo sở Y tế TP.HCM, 3 bệnh nhân đều có cùng bệnh cảnh nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp và trước đó đều cùng ăn pa-tê chay. Theo lời kể từ chồng và con trai của bệnh nhân nữ C.N.H. (đang hồi sức tại bệnh viện Nhân Dân 115), trưa 20/3, gia đình có nấu bún riêu chay tại một miếu cách nhà khoảng 2km (thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, Bình Dương) cho nhiều người cùng ăn. Trong nguyên liệu có thấy 1 hộp pa-tê chay có dấu hiệu bị phồng lên.

Sau khi ăn, lần lượt các bệnh nhân trên nhập viện cấp cứu. Trong đó bệnh nhân C.N.M. nhập viện Chợ Rẫy ngày 24/3 trong tình trạng mệt mỏi, nuốt khó. Sau đó, nữ bệnh nhân được chuyển khoa Nội thần kinh với chẩn đoán theo dõi viêm thân não, phân biệt với ngộ độc. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân bị ngưng tim đột ngột, suy hô hấp. Tuy nhiên tim đập lại sau khi được hồi sức. Bệnh nhân sau đó được người nhà xin về và đã tử vong.

bieu-hien-ngo-doc-pate-chay-1617521060.jpg

Theo báo cáo nhanh của bệnh viện Nhân Dân 115, bệnh nhân nữ C.N.H (53 tuổi) đang trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt tứ chi (trước đó đã có ngưng tim 1 lần) sau khi truyền 1 lọ huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum có tên là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) thì 3 giờ sau bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ (từ 1/5 đã tăng lên 2/5) và có biểu hiện nghe hiểu.

Theo báo cáo nhanh của bệnh viện Nhi Đồng 2, bé gái 16 tuổi đang suy hô hấp và được thở máy, đồng tử giãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ 1/5 (chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay). Bệnh nhân được truyền huyết thanh kháng độc tố BAT (2/3 lọ) lúc 19h30 ngày 25/3, đến 22h30 (sau 3 giờ truyền BAT) bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn, đến 1h30 sáng 26/3 khi được yêu cầu thì bé rung được cơ đùi, đồng tử 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.

Các chuyên gia cho biết, biểu hiện lâm sàng sau truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy đây là những trường hợp ngộ độc thức ăn pa-tê có độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Hiện bệnh viện Nhân Dân 115 và bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục hồi sức và theo dõi sát tình trạng của các bệnh nhân.

Cũng trong đêm 25/3, bệnh viện Nhân Dân 115 đã tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân có bệnh cảnh tương tự, cùng ăn bún riêu chay tại miếu ở Bình Dương.

Độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum vô cùng nguy hiểm

Trước đó, báo chí thông tin, giữa năm 2020, trên cả nước ghi nhận nhiều ca nhập viện điều trị sau ăn pa- tê chay. Các bệnh nhân nhập viện với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở. Có bệnh nhân sau đó nguy kịch và tử vong.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm (sản phẩm mà bệnh nhân ăn) của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum tuýp B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botu- linum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong. Bộ Y tế đã phải nhập thuốc giải với giá 8.000 USD/lọ để điều trị.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh, rồi ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Một khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.

Độc tố Botulinum có 7 loại, ký hiệu bằng các chữ cái theo thứ tự từ A đến G, riêng loại C gồm hai loại phụ, như vậy tổng cộng có 8 chất độc tất cả. Nhiễm độc ở người loại A và B là phổ biến nhất, sau đó đến loại E và F, 4 loại còn lại ít gặp hơn.

Nguy hiểm như vậy nhưng Botulinum không chịu được nhiệt, nếu đun ở 1000 C, sau 2 phút chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực, đun đến 10 phút có thể bị phá hủy. Đây là điều may mắn, bởi thực phẩm đun sôi nhiệt độ xấp xỉ 1000 C, nên đồ ăn tươi nấu chín về cơ bản là yên tâm.

Nhưng với thực phẩm chế biến sẵn, dù đã đun nóng ở nơi sản xuất, thì vẫn còn công đoạn vận chuyển và lưu thông, nó được bảo quản trong vài ngày đến vài tháng, người sử dụng sẽ ăn ngay chứ không đun sôi lại, vì thế mà khó đảm bảo an toàn. Để tránh bị độc tố Botulinum gây hại, từ lâu các nhà sản xuất đã tìm ra phương pháp bổ sung Nitrit rất hay, đây là chất đặc biệt hiệu quả trong việc ức chế độc tố Botulinum.

Mặc dù Nitrit cũng độc, nhưng với liều lượng nhỏ vẫn chấp nhận được, nó sẽ tổng hợp thành nitrosamine trong thịt. Tất cả các nước trên thế giới đều cho phép bổ sung Nitrit vào các sản phẩm thịt đã qua chế biến. Chỉ cần nhìn vào nhãn của các sản phẩm như xúc xích và giăm bông người tiêu dùng sẽ luôn thấy từ “Natri Nitrit” trong danh sách thành phần, đó chính là chất bảo quản chống ngộ độc Botulinum.

Nitrit nếu không được quản lý nghiêm ngặt, nó rất dễ xảy ra tai nạn vượt tiêu chuẩn, thậm chí ngộ độc cấp, về lâu dài là ung thư. Bởi vậy, cơ quan chức năng phải luôn cảnh giác với chất này, người tiêu dùng chúng ta cũng hạn chế sử dụng các thức ăn chế biến sẵn.

H. Anh

Theo Đời sống & Pháp luật