Xót xa người phụ nữ nghèo, bệnh tật, góa chồng cùng những người con bị bệnh thần kinh

Ở tuổi 54 khi con cái vốn đã đến tuổi trưởng thành, ngỡ tưởng sẽ được hưởng một cuộc sống an nhàn, sung túc cùng con cháu và trút bớt gánh nặng cuộc đời nhưng với cô Lê Thị Dự, sinh năm 1964 tại Khu 4 (khu 8 cũ), xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ thì chuyện đó quá xa vời: nhà nghèo, bệnh nặng, góa chồng, 2 con mắc bệnh thần kinh… Gia cảnh khốn cùng

Được sự dẫn đường của bác Chu Văn Tài, Trưởng khu dân cư số 4 xã Đông Lĩnh, chúng tôi tìm về nhà cô Dự vào một ngày trời mưa lâm thâm. Đường vào nhà cô Dự là một con dốc cao trơn trượt, phải vịn vào nhau để không bị ngã.

Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ hai gian mới xây, mái pro xi măng với những chiếc xà ngang bằng tre chứ không phải bằng ống thép như những ngôi nhà cấp 4 khác. Tài sản không có gì đáng giá, một bộ bàn ghế mộc cũ, 2 chiếc giường, một bộ ấm chén để tiếp khách cũng không có. Chiếc tivi 21 inch là tài sản lớn nhất được cho tặng và cũng là phương tiện hiện đại nhất để cô tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Ngôi nhà chưa được quét vôi ve, cánh cửa chính và cửa sổ đều là đồ chắp vá do không có đủ tiền mua nhưng với gia đình cô Dự thì đây là cả một cơ ngơi, một niềm mong ước bao năm đến giờ mới có được.

Căn nhà của ba mẹ con cô Dự

Theo lời kể và xác nhận của bác trưởng khu, trước khi có căn nhà này, gia đình cô Dự sống trong túp lều cũ dột nát. Ước mơ cả đời cô là có được một căn nhà đúng nghĩa nên cô đã đề nghị và được chính quyền địa phương hết sức quan tâm, giúp đỡ. Gia đình cô Dự được địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng, trong đó có 10 triệu đồng từ Quỹ xóa nhà tranh vách đất, 5 triệu đồng từ Quỹ vì người nghèo của UBND tỉnh Phú Thọ và 5 triệu đồng do UBND huyện Thanh Ba hỗ trợ. Để hoàn thiện căn nhà, cô Dự đã vay thêm 20 triệu đồng từ Quỹ đói nghèo. Cô Dự tâm sự “thôi thì cứ vay đã chứ cũng chưa biết đến bao giờ mới có tiền trả nợ”.

Tài sản bên trong ngôi nhà

Cuộc đời bất hạnh đầy sóng gió!

Được biết, cô Dự lấy chồng ở tuổi 25, sinh được hai người con, một trai một gái. Cứ nghĩ rằng cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua như bao gia đình khác, nhưng dường như ông trời quá bất công với cô.

Năm 1995, khi con gái lớn mới 4 tuổi và con trai út còn ẵm ngửa trên tay thì chồng cô phát bệnh động kinh rồi bỏ nhà đi biệt tích. Hoàn cảnh quá khốn khó nên cô Dự cũng không thể nhờ ai hay tự mình đi tìm chồng. Cuộc sống mưu sinh, gồng gánh để lo bữa ăn cho hai đứa con nhỏ đối với người phụ nữ trẻ trở nên quá sức. Cũng may, cô được được anh em họ hàng, bà con chòm xóm đùm bọc, giúp đỡ để ba mẹ con có cái ăn dù bữa đói bữa no.

Cứ nghĩ rằng đã vượt qua được giai đoạn này, đến khi con cái trưởng thành sẽ đỡ gánh nặng phần nào. Ngờ đâu, năm 2008, cô con gái lớn tròn 17 tuổi bỗng nhiên lại phát bệnh tâm thần, đi lang thang khắp nơi, bắt cả chuột, cóc và côn trùng để ăn, có khi còn đuổi đánh mẹ. Tất cả niềm hy vọng, cô đặt cả vào đứa con trai út. Vậy mà số phận nỡ lấy đi của cô tất cả. Cậu bé Nguyễn Văn Hồng lớn lên có biểu hiện không được thông minh, nhanh nhẹn như bao người khác. Cho đi viện khám, bác sĩ kết luận em bị thiểu năng trí tuệ.

Giấy tờ bệnh án của con cô.

Chúng tôi rơm rớm nước mắt, ngồi lặng lẽ nghe tiếp câu chuyện và nghĩ rằng: Bấy nhiêu đã là quá đủ để đẩy người phụ nữ lương thiện ấy lâm vào cảnh tột cùng của sự bất hạnh. Vậy mà số phận oái ăm vẫn không buông tha cho cô. Khoảng năm 2006, cô Dự thấy trong người đau mỏi nhưng đến tiền ăn còn chẳng đủ, cô tự mình chịu đựng. Để lâu, tình trạng đó càng ngày càng nặng hơn. Vài năm sau, cảm thấy không thể chịu được thêm, cô quyết định vay mượn tiền đi khám và bác sĩ kết luận cô bị viêm cầu thận, hội chứng thận hư.

Anh em người thân đã cố gắng giúp đỡ đưa cô đi điều trị tại bệnh viện tuyến huyện. Nhưng số tiền ít ỏi không đủ để chữa khỏi bệnh, cô đành nằm nhà chờ chết. Bằng tình thương, hàng xóm láng giềng và anh em nội ngoại đã thay nhau đến trông nom và chuẩn bị tinh thần lo hậu sự khi thấy cơ thể cô bị phù, không đi lại được nữa. Cô chia sẻ “Lúc đó, cô chỉ nghĩ nếu mình chết đi thì hai đứa con biết dựa vào ai”. Đúng lúc này, một tia hy vọng lóe lên khi có một nhóm tự thiện ở fanpage facebook “Làm cha mẹ” đưa tin về cô qua một người hàng xóm. Với sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm năm 2016, cô được đưa xuống bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội chữa trị. Sau gần một tháng được điều trị, cơ thể cô không còn bị phù nữa, đi lại bình thường.“Cô đi mà cảm thấy như bay bay vì người nó xọp đi nhẹ quá” Cô nói trong nước mắt. “Bác sĩ có dặn thêm rằng bệnh này phải mua thuốc uống thường xuyên nếu không sẽ lại tái phát nhưng tiền đâu mà mua chứ, nên cô cứ kệ vậy” cô chia sẻ thêm.

Sau khi khỏi bệnh, cô được nhóm từ thiện hỗ trợ thêm 2 triệu đồng để bồi dưỡng và mua cho một cái điện thoại đen trắng và đó là lần đầu tiên cô có điện thoại.

Giấy ra viện khi điều trị tại BV Bạch Mai, Hà Nội

Về phía người chồng, năm 2011, gia đình nhận được tin báo từ Trung tâm bảo trợ xã hội Bình Đức, tỉnh Bình Dương rằng chú đang ở trong đó, gia đình có thể đến đón về. Tuy nhiên, vì điều kiện khốn khó, dù rất muốn nhưng cô cũng không thể vào tận tỉnh xa đón chồng. Đến năm 2019, cô nhận được tin báo tử của chồng từ Bệnh viện Nhân Ái thuộc Sở y tế TP Hồ Chí Minh. Thật may, bệnh viện có nói sẽ tài trợ tiền cho gia đình vào mang tro cốt về, cũng nhờ đó mà cuối cùng gia đình cô mới có thể đoàn tụ.

Giấy báo tử của chồng cô Dự

Tương lai sẽ đi về đâu?

Hiện tại, gia đình cô Dự đang sống chủ yếu dựa vào 675.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, trong đó, cô con gái lớn bị tâm thần được trợ cấp 405.000 đồng, con trai út bị thiểu năng trí tuệ được trợ cấp 270.000 đồng. Cuộc đời đầy sóng gió, khốn khó của cô Dự chưa có hồi kết khi mà cô con gái đã không giúp được gì lại còn hay phá phách, con trai thì sức khỏe yếu và chậm chạp, còn cô bệnh tất và yếu đuối, muốn đi làm thuê cũng không ai nhận. Bác Tài trưởng khu có nói thêm với chúng tôi “Ba mẹ con nhà cô Dự có khi cả tháng không đi chợ lần nào cháu ạ, có lần thằng Út ốm mà bữa cơm chỉ có thêm quả trứng”.

Chúng tôi chợt nghĩ, rồi mai đây cô cũng phải “đi xa” thì các con cô sẽ ra sao? Chỉ mong có thêm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để gia đình ấy bớt “cùng cực” phần nào.