Bài học đắt giá với nghệ sĩ Việt

Từ vụ việc của Thủy Tiên - Công Vinh hay Trấn Thành, nghệ sĩ Việt cần rút ra bài học về tính tự giác và minh bạch, cũng như cách truyền thông đúng đắn khi làm từ thiện.

Chiều 17/9, nối tiếp Trấn Thành, Thủy Tiên - Công Vinh công bố sao kê khoản tiền quyên góp để làm từ thiện cho đồng bào miền Trung dịp cuối năm 2020. Với số tiền gần 178 tỷ đồng (theo giấy tờ của ngân hàng), vợ chồng nữ ca sĩ đã nhận hơn 18.000 tờ giấy sao kê.

Tuy nhiên, 1.000 tờ sao kê của Trấn Thành hay 18.000 tờ giấy Thủy Tiên lấy ra từ ngân hàng vẫn chưa đủ để xoa dịu khán giả đại chúng. Đến nay, những tranh cãi vẫn diễn ra.

Đã đến lúc phải từ thiện chuyên nghiệp

Chưa lúc nào hai chữ “từ thiện” lại trở nên nhạy cảm như hiện nay. Câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện, vốn có xuất phát điểm là tinh thần tương thân tương ái với đồng bào, nay trở thành tranh cãi về niềm tin.

Cần thẳng thắn thừa nhận, trong rất nhiều nghệ sĩ đã và đang tham gia hay đứng ra kêu gọi từ thiện hiện nay, rất ít người làm việc một cách chuyên nghiệp. Đa số đều là những đợt kêu gọi tự phát, nhận tiền quyên góp bằng tài khoản cá nhân, không có tài khoản dành riêng cho việc làm từ thiện.

Việc huy động nguồn tiền từ thiện bằng cách kêu gọi dựa trên uy tín và cảm xúc cá nhân nghệ sĩ, rồi khán giả đóng góp bằng niềm tin đã trở thành sơ hở đáng tiếc khi những nghi ngờ được đặt ra. Dù đây là những giao dịch mang tính tự nguyện cho tặng, nhưng việc đòi hỏi phải công khai minh bạch là quyền của khán giả, cũng là trách nhiệm của nghệ sĩ. Phải xác định được trách nhiệm đó, nghệ sĩ mới tránh được tình huống tình ngay lý gian không đáng có.

Nếu không dứt khoát và tự giác minh bạch ngay từ đầu, nghệ sĩ Việt sẽ rơi vào tình huống khó xử, bị khán giả chỉ trích, tẩy chay. Hệ lụy rõ nhất là tranh cãi căng thẳng về vấn đề minh bạch hàng tháng qua. Từ đặt niềm tin, khích lệ người của công chúng dùng sức ảnh hưởng của mình để làm việc có ý nghĩa cho cộng động, nay họ quay lưng, ngờ vực.

Qua sự việc của Thủy Tiên hay Trấn Thành, giới nghệ sĩ cần nhận thức rõ rằng việc làm từ thiện không chuyên nghiệp, đúng quy trình và không tự giác minh bạch ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến danh tiếng, uy tín của bản thân. Thậm chí dù làm đúng hay sai, khuất tất hay không, một khi vướng vào tai tiếng tiền từ thiện, nghệ sĩ hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng sự nghiệp.

Điều này cho thấy nghệ sĩ làm từ thiện không phải chỉ cần cái "tâm", mà còn cần cả "tầm". Từ thiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật, phải tổ chức hoạt động một cách khoa học, chuyên nghiệp và bắt buộc phải minh bạch tài chính.

Chuyên gia truyền thông Lương Trọng Nghĩa cho rằng qua những ồn ào gần đây, nghệ sĩ phải khắc cốt ghi tâm nhiều bài học khi làm từ thiện, đặc biệt là vấn đề tự giác minh bạch, công khai tài chính.

Theo anh, việc chậm trễ minh bạch tiền bạc khiến nghệ sĩ đánh mất uy tín. Người xưa có câu "một lần thất tín, vạn lần bất tin", khi làm sai hoặc thất tín một lần, khán giả sẽ không tin tưởng nghệ sĩ nữa. Khán giả một khi đã nảy sinh nghi ngờ thì khó lòng chấp nhận việc nghệ sĩ đứng lên kêu gọi từ thiện nữa. Bởi trong mắt khán giả, họ là nghệ sĩ đã có "vết đen" không minh bạch.

"Nhưng dù minh bạch đến bao nhiêu đi chăng nữa, vẫn sẽ luôn có người vừa lòng và người không vừa lòng với hành động của nghệ sĩ. Nên tốt nhất, của mình thì mình làm, từ thiện bằng tiền của bản thân", chuyên gia truyền thông chia sẻ quan điểm.

Anh Lương Trọng Nghĩa nói thêm: "Dù sao nghệ sĩ cũng vẫn là nghệ sĩ, mọi hành động, tư duy về chi tiêu không thể bằng đội ngũ chuyên nghiệp. Tôi cho rằng nghệ sĩ không nên tự quyên góp một số tiền quá lớn nữa, vì chi sai một đồng thôi cũng là mắc tội. Còn nếu không đủ tầm, đủ sức thì đừng công khai kêu gọi toàn dân góp tiền, bởi sẽ xảy ra những hệ lụy như khán giả thấy hiện nay".

Trao đổi với Zing, PGS, Tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đưa ra quan điểm người làm từ thiện cần phải học. Thậm chí, học chính quy.

Theo đó, quản lý quỹ từ thiện với khoản tiền đến từ nhiều nguồn khác nhau quá khó và nhạy cảm, nên người đứng đầu hoặc người chịu trách nhiệm giải ngân nguồn tiền trên phải có cái đầu lạnh, bản lĩnh nắm vững tình huống và luôn giải quyết vấn đề theo lý trí, tư duy logic.

sao viet sao ke tu thien anh 3

Trấn Thành đã công khai sao kê khoản tiền từ thiện 9 tỷ đồng.

Học cách làm từ thiện

Với những mạnh thường quân đã bỏ tiền quyên góp, họ đương nhiên có thể nghi ngờ nghệ sĩ dùng tiền chưa đúng mục đích hoặc chưa hợp lý.

Tuy nhiên, đối mặt với quyền lợi không thể chối cãi trên, nghệ sĩ lại hờn dỗi vì khán giả đã nghi ngờ cái tâm từ thiện của họ. Hoặc khi bị thúc giục nhiều quá, nghệ sĩ mới bắt đầu sao kê tài khoản như một đòn đáp trả tới công chúng.

Trả lời Zing, nhà truyền thông học Nguyễn Ngọc Long cho rằng mấu chốt vấn đề của nghệ sĩ là phải đặt ra câu hỏi cho bản thân về việc làm sao để giữ sạch danh tiếng của mình, thay vì luôn đôi co và hờn dỗi với khán giả.

"Nghệ sĩ đừng trách dư luận về việc họ soi xét quy trình làm từ thiện. Khán giả đương nhiên sẽ làm như vậy. Họ có quyền", Nguyễn Ngọc Long nói.

Ngoài bài học về tính minh bạch và sự tự giác, anh cho rằng các nghệ sĩ cần phải học thêm về cách làm truyền thông cho công việc từ thiện của mình.

"Thủy Tiên livestream từ thiện, hô hào quá mức gây ra phản cảm. Có thể ở thời điểm ban đầu, cô ấy được ủng hộ, nhưng sau đấy khán giả dần chuyển sang bức xúc, ác cảm với cách làm việc của cô ấy. Của cho không bằng cách cho, cách phân phát tiền ngay trong livestream của Thủy Tiên đã khiến cho sự việc nhạy cảm hơn", chuyên gia truyền thông đưa quan điểm.

Đứng ở góc độ truyền thông, anh cho rằng Thủy Tiên nói riêng và các nghệ sĩ Việt nói chung đã chọn một cách rất nguy hiểm để lan truyền hiệu ứng công việc từ thiện của mình. Đó là tự lên tiếng kể và khoe về những "chiến tích" bản thân làm được từ nguồn tiền từ thiện kêu gọi quyên góp trong cộng đồng.

"Hạn chế ở mức tối đa việc nói về những điều nghệ sĩ Việt đang làm. Thay vào đó, hãy nói về những thay đổi họ và nguồn tiền xuất phát từ lời kêu gọi đã tạo ra được. Chẳng hạn, nếu năm ngoái bạn lắp 10 máy lọc nước, bạn hãy 'nhịn' lại và chờ một năm sau để quay lại và kiểm tra xem đời sống của người dân nơi nhận máy lọc đã thay đổi thế nào, rồi hãy truyền thông", anh nói.

Ngoài ra, anh Nguyễn Ngọc Long và Lương Trọng Nghĩa đều có quan điểm giống nhau về việc nếu không đủ "tầm" để nắm giữ khoản tiền từ thiện quá lớn, nghệ sĩ nên kêu gọi khán giả chuyển tiền ủng hộ vào một tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, thậm chí tài khoản của chính phủ.

Bởi nếu không được quản lý bởi một đội ngũ chuyên nghiệp, với bản tính nghệ sĩ dễ xúc động và bộc phát hành động cảm tính, sao Việt dễ phát sinh những hành động không nằm trong phạm vi tính toán trước. Và đây là mối hại lớn cho cả công việc thiện nguyện cũng như danh tiếng của nghệ sĩ.

Đã đến lúc nghệ sĩ điều chỉnh thói quen kêu gọi từ thiện cảm tính. Để tiếp tục có những chuyến từ thiện đẹp lòng dân và ấm tình nghệ sĩ trong tương lai, họ cần chuyên nghiệp hơn, học cách phân phối tài chính theo quy định hợp pháp.

Làm từ thiện chưa bao giờ là đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó và phức tạp. Số tiền huy động được từ niềm tin của khán giả thì nên chứng minh cho họ thấy niềm tin đó là đúng. Niềm tin đó là tài sản đắt giá mà người nghệ sĩ phải giữ lấy.